Kênh Hàng Bàng

Đoạn Kênh Hàng Bàng đã được khôi phục, nhìn về phía đường Bình Tiên

Kênh Hàng Bàng là một kênh đào trên địa bàn Quận 5Quận 6Thành phố Hồ Chí Minh.[1]

Kênh này vốn là một trong những tuyến đường thủy huyết mạch của khu vực Chợ Lớn trước đây. Những năm cuối thế kỷ 20, do kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng nên Thành phố Hồ Chí Minh đã cho lắp đặt cống hộp đoạn giữa của kênh. Tuy nhiên, đến năm 2015, chính quyền thành phố quyết định khai thông lại kênh.[2] Đến năm 2022, đã có hai đoạn kênh được khôi phục: một đoạn từ đường Lò Gốm đến đường Bình Tiên và một đoạn từ đường Chu Văn An đến đường Ngô Nhân Tịnh.

Vị trí[sửa | sửa mã nguồn]

Kênh Hàng Bàng dài 1.830 m, chạy từ kênh Tân Hóa – Lò Gốm (Quận 6) đến đường Vạn Tượng (Quận 5) ngay sau chợ Kim Biên.[1][3] Từ đây, kênh được nối với kênh Tàu Hủ qua một nhánh kênh ngắn chạy giữa 2 con đường Kim Biên và Vạn Tượng.[a] Kênh Hàng Bàng là kênh đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh được khôi phục sau một thời gian bị lấp thành khu dân cư.[4]

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Kênh Hàng Bàng và ụ sửa ghe bassin de Lanessan (vị trí chợ Bình Tây ngày nay) trên bản đồ Sài Gòn và Chợ Lớn năm 1923
Kênh Hàng Bàng và ụ sửa ghe bassin de Lanessan (vị trí chợ Bình Tây ngày nay) trên bản đồ Sài Gòn và Chợ Lớn năm 1923

Ban đầu kênh có tên là kênh Bonard (tiếng Pháp: canal Bonard), được chính quyền thực dân Pháp cho đào trong 4 năm 1889–1893. Đất từ việc đào kênh được dùng để san lấp, xây dựng hai con đường chạy dọc kênh[b] và các đường nhánh.[5] Bên cạnh đó, dự án cũng xây dựng một ụ sửa ghe ở bờ bắc kênh; tuy nhiên đến thập niên 1920, ụ ghe này lại bị san lấp để xây dựng Chợ Lớn mới (chợ Bình Tây).[6][7][8]

Không ảnh chợ Bình Tây và kênh Hàng Bàng ở mặt sau chợ vào khoảng năm 1930

Người Việt gọi kênh là kênh Hàng Bàng (do hai bên bờ kênh có trồng hàng cây bàng rợp bóng mát)[8][9] hay rạch Bãi Sậy (theo tên con đường Bãi Sậy cặp theo kênh).[10] Các cây cầu bắc qua kênh cũng lần lượt được người Pháp xây dựng, bao gồm: cầu Bình Tiên (đường Minh Phụng), cầu Phạm Đình Hổ, cầu Palikao (đường Ngô Nhân Tịnh), cầu Gò Công và cầu Ba Cẳng.[c] Trong đó, cầu Ba Cẳng nằm tại ngã ba kênh Hàng Bàng và kênh Quới Đước là cây cầu bộ hành đầu tiên tại Sài Gòn, sở dĩ cầu có tên này là do hình dáng thiết kế của cầu có 3 chân đồng thời cũng là 3 lối bậc thang đi lên.[8][11]

Cho đến thập niên 1960, kênh Hàng Bàng vẫn tấp nập ghe thuyền vận chuyển hàng hóa đến Chợ Lớn để buôn bán và trao đổi. Tuy nhiên sau đó do chiến tranh nên sản xuất nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề nên kênh Hàng Bàng cũng không còn sầm uất. Bên cạnh đó, dưới thời Việt Nam Cộng hòa do không được quản lý chặt chẽ nên người dân bắt đầu xây nhà lấn chiếm khiến cho lòng kênh bị thu hẹp lại dần, trở thành mương thoát nước thải của khu dân cư hai bên.[12] Năm 2000, do kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng nên thành phố cho lắp đặt cống hộp đoạn từ đường Bình Tiên đến đường Phạm Đình Hổ.[13]

Một đoạn kênh Hàng Bàng đã được khôi phục, nhìn về phía đường Ngô Nhân Tịnh

Năm 2015, thành phố triển khai đào lại toàn bộ kênh để khơi thông dòng chảy, điều tiết nước, chống ngập cho khu vực. Theo kế hoạch, kênh Hàng Bàng được đào rộng 11 m như ban đầu, hai bên làm công viên cây xanh, kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng. Để đào lại kênh, toàn bộ khu nhà nằm giữa đường Bãi Sậy và đường Phan Văn Khỏe với gần 950 hộ dân bị giải tỏa trắng. Giai đoạn 1 của dự án khôi phục hai đầu kênh đã hoàn thành vào năm 2017.[14] Hiện tại dự án đang thi công giai đoạn 2 từ đường Phạm Đình Hổ đến kênh Vạn Tượng, nhưng tiến độ đang bị chậm do vướng giải phóng mặt bằng.[15]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nhánh kênh này vốn là một đoạn của kênh Quới Đước trước kia. Kênh Quới Đước ban đầu nối từ kênh Tàu Hủ lên đến rạch Chợ Lớn, tuy nhiên sau khi rạch Chợ Lớn bị lấp thành đại lộ (nay là đường Hải Thượng Lãn Ông) thì đoạn trên của kênh này cũng bị lấp theo và về sau chợ Kim Biên được hình thành tại đây. Do đó kênh Quới Đước chỉ còn lại đoạn dưới từ đầu kênh Hàng Bàng đến kênh Tàu Hủ, nay được gọi là kênh Vạn Tượng.
  2. ^ Hai con đường này lần lượt có tên là Quai de la Distillerie và Quai Bonard, đến thời Việt Nam Cộng hòa thì đổi thành Bến Nguyễn Văn Thành và Bến Bãi Sậy. Năm 1975, Bến Nguyễn Văn Thành đổi thành đường Phan Văn Khỏe như hiện nay.
  3. ^ Các cây cầu Bình Tiên, Phạm Đình Hổ và Palikao đều không còn sau khi lấp kênh, còn cầu Ba Cẳng đã bị sập vào năm 1990. Hiện nay chỉ còn lại cầu Gò Công bắc qua đoạn mương hở chưa được cải tạo.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Quỳnh Trần (18 tháng 5 năm 2022). “Dòng kênh từng bị lấp hồi sinh sau cải tạo”. Báo điện tử VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.
  2. ^ Duy Trần (24 tháng 2 năm 2015). “TP HCM chi nghìn tỷ đào lại con kênh đã lấp 15 năm”. Báo điện tử VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.
  3. ^ Ngọc Ẩn (17 tháng 2 năm 2017). “Sẽ giải tỏa 477 căn nhà để triển khai khôi phục kênh Hàng Bàng”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.
  4. ^ Ngọc Ẩn (16 tháng 4 năm 2016). “Trả lại cảnh "trên bến dưới thuyền" cho quận 5, 6”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2022.
  5. ^ “Arrêté portant que la ville de Cholon est affranchie des conditions résolutoires imposées par les arrêtés des 20 juin 1889 et 13 mai 1891”. Bulletin officiel de l'Indochine française. 31 tháng 10 năm 1893. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.
  6. ^ “UNE BONNE AFFAIRE !”. La Libre Cochinchine. 31 tháng 3 năm 1923. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.
  7. ^ “Mémento des Entrepreneurs: Offres et adjudications”. L'Éveil économique de l'Indochine. 27 tháng 7 năm 1924. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.
  8. ^ a b c Vương Hồng Sển (1969). Sài Gòn năm xưa. Nhà sách Khai Trí. tr. 135–136. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.
  9. ^ Lưu Thị Tuyết Trinh (2007). “Kinh rạch Sài Gòn xưa”. Sài Gòn xưa & nay. Nhà xuất bản Trẻ. tr. 156. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2022.
  10. ^ “Cuộc sống đổi thay bên kênh Hàng Bàng”. Tuổi Trẻ Online. 2 tháng 9 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.
  11. ^ Sơn Hòa (18 tháng 10 năm 2015). “Ba Cẳng - cầu đi bộ đầu tiên ở Sài Gòn”. Báo điện tử VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.
  12. ^ D.Ngọc Hà (1 tháng 2 năm 2015). “TP.HCM: Đào lại dòng kênh Hàng Bàng”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.
  13. ^ Lê Hiền (9 tháng 11 năm 2015). “Chi 2.000 tỷ đồng khơi lại kênh Hàng Bàng”. Báo Tin tức - TTXVN. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.
  14. ^ Ngọc Ẩn (16 tháng 8 năm 2017). “Khôi phục xong 390m kênh Hàng Bàng đầu tiên”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.
  15. ^ Phương Ngân (22 tháng 5 năm 2022). “Hồi sinh những dòng kênh "chết". Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2022.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]