Thành viên:Nvsang1988/Nháp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

TADEUSZ KOSCIUSZKO - NGƯỜI ANH HÙNG BA LAN TRONG CHIẾN TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP CỦA HOA KỲ (1775-1783)[sửa | sửa mã nguồn]

Nghiên cứu về thắng lợi của các thuộc địa ở Bắc Mỹ trong cuộc chiến tranh giành độc lập, các Sử gia thường nhắc đến vai trò của các chiến sĩ tình nguyện quốc tế. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, điển hình như Baron von Steuben (Phổ), Bernardo de Gálvez (Tây Ban Nha), Marquis de Lafayette, Johann de Kalb (Pháp), Tadeusz Kosciuszko, Kazimierz Pulaski (Ba Lan). Trong số những chiến sĩ tình nguyện, có hơn 100 người đến từ Ba Lan, đáng chú ý nhất là Tadeusz Kosciuszko[1].

1. Tadeusz Kosciuszko từ kỹ sư quân sự ở Pháp đến chiến binh trong chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ[sửa | sửa mã nguồn]

Tadeusz Kosciuszko sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Ba Lan. Ông đã chiến đấu để bảo vệ Khối thịnh vượng Ba Lan-Litva và lý tưởng của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ.

Kosciuszko tốt nghiệp xuất sắc về quân sự tại Học viện Quân sự Hoàng gia Vác-sa-va năm 1766. Với thành tích nổi bật ông gây được sự chú ý từ vua Stanislaw August Poniatowski. Ngay sau đó, Kosciuszko nhận được học bổng của vua Poniatowski và Hoàng tử Adam Kazimierz Czartoryski để đến Pháp nghiên cứu sâu về quân sự. Năm 1769, ông đến Paris học thêm về kỹ thuật và pháo binh[2]. Là người nước ngoài Kosciuszko không được phép đăng ký vào Học viện Quân sự Pháp. Do đó, ông đã tự học bằng cách tham gia các bài giảng riêng lẻ và nghiên cứu các tài liệu. Trong 5 năm ở Paris, Kosciuszko đã hấp thụ bầu không khí của nước Pháp trước cách mạng, lắng nghe tự do, nhân quyền và tinh thần dân chủ. Triết lý của các nhà tư tưởng Khai sáng[3] đã có tác động đáng kể đến niềm tin của Kosciuszko[4].

Sau khi kết thúc học tập, Kosciuszko trở lại Ba Lan năm 1774[5]. Khi trở về, Kosciuszko nhìn thấy bản thân không có tương lai ở quê nhà. Lúc này tài sản của ông được quản lý bởi người anh trai và quan trọng hơn là các kỹ năng quân sự của ông không thể được phát triển trong tình trạng Ba Lan bị chia cắt. Mùa thu năm 1775, Kosciuszko bắt đầu lang thang khắp châu Âu và trở lại Pháp. Tại đây, Kosciuszko biết về sự bùng nổ của cách mạng của các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Ông biết rằng, các thuộc địa đang chiến đấu để giành độc lập từ Anh và rất cần những bậc thầy về chiến tranh. Arthur Lee trong thư gửi Pierre de Beaumarchais, một người Pháp hỗ trợ nhiệt thành cho cách mạng thuộc địa đã viết: “Chúng tôi cần vũ khí, thuốc súng, nhưng trên hết là các kỹ sư” [6].

Trước nhu cầu của các thuộc địa, với lý tưởng cống hiến, nhà quý tộc trẻ quyết định bắt đầu hành trình xa xôi và nguy hiểm mà Kosciuszko gần như phải trả giá bằng mạng sống. Con tàu của ông gặp nạn gần Martinique và Kosciuszko đã đến bờ trên phần còn lại của cột buồm[7]. Ngày chính xác Kosciuszko đến Hoa Kỳ không được ghi lại nhưng chắc chắn rằng, ngay khi cập bến ông đã đến Philadelphia. Tại đây, Kosciuszko lập tức bị cuốn vào cuộc đấu tranh của các thuộc địa. Ông đã liên lạc với Franklin và mong muốn được phục vụ trong Lục quân của Quân đội Lục địa. Franklin với sự giúp đỡ của David Rittenhouse đã kiểm tra khả năng và chấp nhận Kosciuszko làm việc tại Ủy ban An toàn Pennsylvania.

Ban đầu, Kosciuszko làm việc như một tình nguyện viên được Franklin tuyển dụng. Ngày 30 tháng 8 năm 1776, Kosciuszko được Quốc hội Hoa Kỳ chấp nhận chính thức vào lực lượng quân đội thuộc địa. Kể từ thời điểm này, Kosciuszko bắt đầu hành trình trong cuộc chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ.

2. Kosciuszko trong chiến trận bảo vệ Philadelphia[sửa | sửa mã nguồn]

Ngay khi trở thành sĩ quan của quân đội lục địa, Kosciuszko đã nhanh chóng nhận nhiệm vụ đầu tiên là bảo vệ thành phố Philadelphia trước nguy cơ tấn công của Anh. Vấn đề đặt ra là tại sao người Mỹ lại giao phó sứ mệnh bảo vệ một cứ điểm quan trọng cho một người nước ngoài trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm chiến trường và không biết tiếng Anh như Kosciuszko?

Trở lại lịch sử cuộc cách mạng cho thấy, vào thời điểm này các thuộc địa sợ hãi với niềm tin chắc chắn rằng, hạm đội Anh có thể tấn công Philadelphia. Quân đội Anh đã đánh bại quân đội thuộc địa trong chiến trận Long Island và chiếm được New York. Tướng William Howe của Anh buộc Washington phải rút lui qua sông Delaware đến Pennsylvania. Nhiệm vụ lúc này là phải giữ cho được Philadelphia. Điều này đòi hỏi phải sử dụng kỹ thuật quân sự của các tình nguyện viên quốc tế đến từ châu Âu trong phòng thủ bởi vì các thuộc địa thực sự không có bất kỳ một kỹ sư quân sự nào. Trước đó, một tình nguyện viên duy nhất nhưng đã từ chức và trở về Pháp[8]. Họ không có sự thay thế nào khác, nhưng đó không phải là lý do chủ yếu để họ giao phó cho Kosciuszko. Thực tế Quốc hội Lục địa đã xem xét các yếu tố trước khi quyết định. Đầu tiên, họ nhìn thấy Kosciuszko là sự lựa chọn duy nhất hay nói cách khác họ chưa tìm thấy người có thể bảo vệ được Philadelphia khỏi cuộc tấn công ngoại trừ Kosciuszko. Các thuộc địa hiểu rằng, thành phố sẽ nhanh chóng rơi vào tay Anh nếu họ do dự. Thứ hai, họ có cơ sở để tin rằng, dù thiếu kinh nghiệm trận mạc, hạn chế về ngôn ngữ nhưng Kosciuszko thực sự là một kĩ sư có năng lực. Trước khi trở thành sĩ quan chính thức, trình độ của Kosciuszko đã được Franklin đánh giá. Điều này còn được khẳng định qua thư giới thiệu của Hoàng tử Czartoryski.

Nhận được sứ mệnh bảo vệ thành phố, Kosciuszko đã lập tức bắt tay vào xây dựng công sự ở Philadelphia, bởi vì thành phố này không có một pháo đài nào để phòng thủ trước sự tấn công đến từ phía sông Delaware. Sau khi khảo sát thực tế, Kosciuszko quyết định xây dựng hai pháo đài trên bờ của con sông này. Các pháo đài gồm Mercer, bảo vệ khỏi việc đánh chiếm Philadelphia từ New Jersey và Mifflin ngăn chặn các cuộc tấn công từ Pennsylvania[9]. Việc xây dựng các pháo đài kéo dài từ tháng 10 năm 1776 đến tháng 4 năm 1777. Quan trọng nhất trong số đó là pháo đài Mercer, nằm gần Red Bank ở New Jersey. Nó nằm trên một vách đá cao 12m và được trang bị những khẩu súng hạng nặng hướng về sông Delaware. Do pháo đài ở trên ngọn đồi nên nằm ngoài tầm bắn của pháo binh Anh. Trong khi đó, đối với pháo đài Mifflin ở bên kia sông, theo lệnh của Kosciuszko, cây trong vườn bị đốn hạ để làm sạch tiền cảnh và có thể bắn trực tiếp tàu Anh. Ngoài ra, các rãnh sâu được đào trước các bức tường và các công sự dọc theo bờ sông. Các cọc nhọn được đóng vào trong đó được cho là trở ngại để ngăn chặn các cuộc tấn công bộ binh của Anh.

Để đảm bảo sự chặt chẽ trong hệ thống phòng thủ, Kosciuszko còn được điều động xây dựng pháo đài Billingsport trên sông Delaware[10]. Tuy nhiên, không phải tất cả các ý tưởng của Kosciuszko đều được thực hiện, ví như việc xây dựng một công trình 17m2 với bệ cửa sổ cho binh lính và vị trí cho 18 khẩu súng. Mặt khác, Kosciuszko cũng chú ý đến việc củng cố sông Delaware. Để đạt được điều này, ông đưa ra ý tưởng buộc tàu Anh phải đi một phần định sẵn của dòng sông. Ông ra lệnh đặt trên các lối dẫn ở đoạn sông này các Chevaux de Frize (là những thanh gỗ được nối với nhau bằng sắt). Nó tạo thành một chướng ngại vật với độ rộng 60 feet (18m) trên một phạm vi chiều dài 8 dặm (12km). Kosciszko hi vọng các chướng ngại vật này sẽ xé toạc đáy các tàu Anh tiến về Philadelphia.

Với các giải pháp táo bạo và thực hiện tốt, ngày 18 tháng 10 năm 1776, Kosciuszko được chính quyền Pennsylvania và Quốc hội công nhận và bổ nhiệm hàm Đại tá. Chủ tịch của Ủy ban An toàn Pennsylvania, John Hancock viết: “Chúng tôi đặt hy vọng và niềm tin đặc biệt vào lòng yêu nước, sự dũng cảm, hành động và lòng trung thành của bạn. Bằng cách trên, chúng tôi nhận ra và đề cử bạn là một kỹ sư cấp bậc đại tá trong quân đội Hoa Kỳ[6]. Quốc hội đã trao cho Kosciuszko quyền ra lệnh “cho tất cả các sĩ quan và binh sĩ dưới quyền của bạn, những người có nghĩa vụ phải tuân theo mệnh lệnh của bạn như một kỹ sư[6]. Ông được trả với mức lương 60 đô la mỗi tháng nhưng ông không nhận bất kỳ khoản nào[11]. Ngoài ra, Ủy ban An toàn Pennsylvania đã phân bổ số tiền 50 bảng cho Kosciuszko để ghi nhận những đóng góp đối với việc phòng thủ ở pháo đài Billingsport.

Thực tế chiến trận ở Billlingsprot cũng phản ánh những đóng góp của Kosciuszko. Sau ba ngày chiếm đóng, ngày 5 tháng 10 năm 1777, quân đội Anh gặp nhiều khó khăn trước hệ thống phòng thủ và lối đánh du kích vì thế sơ tán khỏi Billingsport. Bia tưởng niệm tại pháo đài Billingsport viết: “Tướng Thadeusz Kosciuszko đã hỗ trợ trong việc chỉ đạo sửa chữa pháo đài tại Billingsport trong thời kỳ cách mạng Hoa Kỳ nhờ đó ngăn chặn được Hải quân Anh khỏi việc tiến vào Philadelphia vào mùa thu năm 1777. Đây là sự hỗ trợ về kỹ thuật đầu tiên Tướng Kosciuszko nhận được từ Quốc hội lục địa[12].

3. Kosciuszko trong chiến trận Ticonderoga và Saratoga năm 1777[sửa | sửa mã nguồn]

Mùa xuân năm 1777, Kosciuszko gia nhập Quân đội phương Bắc do Tướng Horatio Gates chỉ huy[13]. Ngày 12 tháng 5 năm 1777, Quân đội miền Bắc di chuyển đến biên giới với Canada và Kosciuszko được gửi đến Ticonderoga, một trong những pháo đài mạnh nhất vào thời điểm đó nằm trong tay người Mỹ. Đó là một pháo đài bằng đá, có tầm quan trọng chiến lược lớn vì nó nằm giữa hồ Champlain và sông Hudson. Một khi sở hữu pháo đài, người Anh đã có thể kiểm soát tuyến đường thủy này và dễ dàng kết nối giữa Montreal (Canada) và New York. Ticonderoga là trở ngại duy nhất có thể ức chế hiệu quả việc cung cấp hậu cần của Anh giữa hai thành phố này[14].

Pháo đài nằm dưới chân đồi có tên Sugar Loaf. Kosciuszko được yêu cầu để lên kế hoạch bảo vệ. Ông đề nghị đặt pháo lên trên ngọn đồi, nhưng các chỉ huy Mỹ không đồng ý[4]. Kosciuszko đã phải trình bày rằng, ngọn đồi này có tầm quan trọng rất lớn. Người chiếm được nó có thể bắn từ đó đến pháo đài, hỗ trợ phòng thủ hoặc bắn vào bên trong pháo đài do đó nhanh chóng buộc lực lượng ở trong pháo đài phải đầu hàng[15]. Ông thậm chí đã viết một báo cáo về vấn đề này cho Tướng Gates. Kosciuszko nhận được sự hỗ trợ của John Trumbull, là phó trợ lý của Tướng Gates[16]. Chính Trumbull là người thuyết phục vị tướng này về nhu cầu thiết lập pháo trên đồi. Khi tranh chấp về pháo đài Ticonderoga, các chỉ dẫn của Kosciuszko đã không được tuân theo. Kosciuszko đã không bỏ cuộc. Ông đã phác thảo bản đồ khu vực xung quanh pháo đài và gửi cho Gates. Ông viết: “Tôi đã vẽ màu đen những gì thực sự tồn tại; những gì được vẽ bằng màu đỏ là kế hoạch của tôi[6]. Kosciuszko muốn những khẩu súng được đặt trên một ngọn đồi để bắn đến pháo đài mà quân đội Anh chắc chắn sẽ di chuyển. Ông cũng yêu cầu Tướng Gates tham gia khảo sát thực tế trận địa: “Tướng quân của tôi, trước hết tôi yêu cầu bạn đừng ra lệnh cho tôi làm bất cứ điều gì trước khi bạn đến. Tôi yêu hòa bình và muốn có mối quan hệ tốt với mọi người, bất cứ khi nào có thể[6].

Ông nói thêm rằng nếu bị từ chối, ông sẽ trở lại Ba Lan[17]. Vài ngày sau, Kosciuszko viết thư cho Gates một lần nữa, bày tỏ lo ngại rằng pháo đài dễ bị người Anh chiếm giữ. Theo ông, Ticonderoga là “nơi hoàn hảo để chống lại đối thủ và thậm chí là đánh bại ông ta[6]. Không thể thực hiện kế hoạch của mình, Kosciuszko rời pháo đài đến Albany. Sau đó, Tướng Gates đã thay đổi ý kiến và thuyết phục những người khác thực hiện kế hoạch của Kosciuszko. Gates yêu cầu Kosciuszko trở về và “thực hiện kế hoạch ngay lập tức[6]. Kosciuszko trở lại Ticonderoga ngày 6 tháng 6 năm 1777.

Dự đoán của Kosciuszko đã thành sự thật, lực lượng của Anh với hơn 8000 người vào ngày 1 tháng 7 đã tiếp cận pháo đài và từ rạng sáng ngày 4 tháng 7 bắt đầu lắp pháo trên đồi. Từ nơi này, họ bắn vào người Mỹ mà không gặp khó khăn gì. Người Mỹ bắt đầu cuộc di tản[18]. Kosciuszko cũng đã giúp đỡ lực lượng quân thuộc địa trong cuộc di tản này. Ông sử dụng những chiếc thuyền đã chuẩn bị trước đó tạo thành một cây cầu phao. Bên cạnh đó, khi quân Anh và những người da đỏ bắt đầu đuổi theo, ông đã chặn đường của họ. Kosciuszko đã cho chặt cây chặn đường người Anh. Kosciuszko cũng đã đặt đá cuội trên các ngọn đồi và ném chúng xuống đường, điều này đã đánh lạc hướng quân đội Anh một cách hiệu quả và ngăn chặn cuộc hành quân tiếp theo. Trong ký ức, những người đương thời nhấn mạnh sự can đảm, trách nhiệm và khả năng của Kosciuszko. Thiếu tá John Armstrong viết: “Trong cuộc rút lui của quân đội Mỹ, Kosciuszko nổi bật với hoạt động và lòng can đảm, lựa chọn trại, điểm dừng và mọi thứ liên quan đến công sự[6]. Lần đụng độ với người Anh lần này đã để lại cho Kosciuszko những kinh nghiệm tại trận chiến Saratoga.

Trận chiến Saratoga diễn ra vào ngày 19 tháng 9 và ngày 7 tháng 10 năm 1777 được coi là sự kiện đột phá trong lịch sử chiến tranh[19]. Nếu người Mỹ thất bại trước lực lượng của Anh thì sẽ dẫn đến cuộc chinh phạt và kiểm soát thung lũng sông Hudson. Kết quả của trận chiến này cũng có ý nghĩa quốc tế rất lớn. Sau trận chiến này Pháp chính thức tham gia vào ủng hộ cuộc chiến đấu của các thuộc địa. Cần lưu ý rằng để góp phần nên chiến thắng này, các khu vực xung quanh Saratoga, đặc biệt là Bemis Height đã được củng cố bởi Kosciuszko. Chính ông là người đã chọn những nơi cần được tăng cường và đưa vào trạm chiến đấu. Theo lệnh của ông đã xây dựng các pháo đài, tổ chức các khu cắm trại và các con đường hành quân, chọn các vị trí để thiết lập quân đội và đại bác. Nơi được chú ý nhất là ngọn đồi Bemis Heights. Kosciuszko cố gắng để tạo ra cuộc đối đầu với người Anh ở địa điểm mà họ định sẵn và dự đoán chắc chắn người Anh sẽ đi qua. Alex Storozynski mô tả:

“Con đường duy nhất mà người Anh tấn công có thể đi là rõ ràng. Người ta cho rằng Kociuszko đã lên kế hoạch cho một chiến lược ở đây phản ánh trận chiến Thermopylae, nơi 300 người Sparta phải đối mặt với một đội quân Ba Tư lớn hơn nhiều. Ngoài ra, sau khi triển khai lực lượng Mỹ, Kosciuszko bắt đầu công việc chuẩn bị khu vực để gây khó khăn hơn cho người Anh khi tấn công. Theo Tướng Morgan Lewis, mỗi tối, tất cả các sư đoàn, lữ đoàn và trung đoàn đã được triển khai trong khu vực được chỉ định theo lệnh của Kosciuszko”[6].

Vào ngày 19 tháng 9 năm 1777, Tướng Burgoyne đã thất bại trong việc vượt qua các công sự của Kosciuszko. Người Anh đã buộc phải chạy vào rừng, nơi người Mỹ đang chờ đợi họ. Cuộc giao tranh đầu tiên được gọi là trận chiến Freeman[20]. Điều đáng nói là Tướng Gates chỉ việc đợi và “ra lệnh” từ căn lều của mình, nơi ông đang thưởng thức whisky . Ông đợi đến giây phút cuối cùng để bẫy người Anh. Sau đó, ông đã phái các tay súng chọn lọc do Đại tá Daniel Morgan chỉ huy nhắm mục tiêu là các chỉ huy trên chiến tuyến. Tiếp đó, Morgan tiến hành tấn công lực lượng của Anh. Hai tuần sau trận chiến đầu tiên, quân đội Anh lại tổ chức tấn công. Kết quả của cuộc diễn tập này, Lục quân Lục địa đã đánh bại Tướng Burgoyne vào ngày 14 tháng 10 năm 1778. Sau vài ngày, người Mỹ bao vây, Anh chính thức đầu hàng ngày 17 tháng 10 với gần 5800 lính bị bắt . Một nghịch lý là những điều mà Koszciuszko đã làm một cách hoàn hảo và chuẩn bị cho trận chiến này bị lãng quên, trong khi vinh quang của người chiến thắng rơi vào tay Gates.

Mặc dù vậy, sau này những đóng góp cho trận chiến này, Kosciuszko được chú ý như một chiến lược gia có khả năng. Tổng Tư lệnh Quân đội Lục địa vào tháng 11 năm 1777 đã viết cho Quốc hội như sau: “Hãy để tôi đề cập rằng, như tôi đã được thông báo, một kỹ sư quân đội miền Bắc nào đó (tôi nghĩ tên anh ta là Cosieski) là một quý ông có kiến thức và công đức tuyệt vời. Đánh giá về những gì tôi đã nghe về tính cách của anh ấy, anh ấy cũng xứng đáng được chú ý (về cả tổ chức quân sự)[6].

4. Kosciuszko trong chiến trận West Point[sửa | sửa mã nguồn]

Trong những năm sau đó, Kosciuszko tiếp tục tham gia vào củng cố ngọn đồi ở West Point, cách New York 80 km về phía Bắc. Tướng Washington mô tả nơi này là “chìa khóa của nước Mỹ[21].

Vào đầu năm 1778, Kosciuszko được bổ nhiệm làm kỹ sư trưởng tại West Point[4]. Kosciuszko đã xây dựng một pháo đài với vô số vị trí cố thủ. Đầu tiên, các bức tường phía Tây và phía Nam của pháo đài được xây dựng, sau này được gọi là pháo đài Clinton. Trục pháo đài cao 3m và được trang bị 8 khẩu pháo. Trong quá trình xây dựng đã có đụng độ giữa Kosciuszko và La Radière. Tuy nhiên vào lúc này uy tín của Kociuszko đối với những người lính của quân đội thuộc địa là rất lớn. Vì thế mệnh lệnh của ông được những người lính ở West Point chấp nhận một cách tích cực. Kosciuszko cũng giám sát việc xây dựng các tấm chắn lồng vào nhau dài gần nửa km nặng khoảng 65 tấn để chặn sông Hudson và ngăn người Anh chiếm được phía Nam[22]. Trong bốn năm chiến tranh, vào mùa xuân, chuỗi tấm chắn này đã được kéo dài qua sông, và được gỡ vào đầu mùa của băng giá. Nó vẫn nổi nhờ những thân cây to, phải mất bốn ngày để cuộn dây, kéo dài chuỗi với 40 người làm việc.

Pháo đài West Point đã khiến Kosciuszko mất hai năm rưỡi để chỉ huy và xây dựng. Một trong những khó khăn xảy ra trong quá trình xây dựng là chuyến viếng thăm của Benedict Arnold. Ông tìm cách làm đảo lộn mối quan hệ giữa Kosciuszko và những người ủng hộ. Arnold trong lá thư gửi Thống đốc Clinton đã viết: “Tôi chắc chắn không hài lòng với cách ông Kosciuszko làm việc trên các công sự, và tôi sợ rằng ông không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước chúng ta[6]. May mắn thay, điều này không ảnh hưởng đến thái độ của Tướng Gates. Mùa hè năm 1788, Kosciuszko gặp Washington khi ông đến thăm việc xây dựng các công sự. Washington hài lòng với công việc của Kosciuszko. Ông viết: “Đại tá Kosciuszko vẫn ở trong pháo đài như một kỹ sư địa phương và như mọi khi, tôi biết rằng anh ấy có tất cả các kỹ năng để làm điều này[6].

Tướng Gates muốn tận dụng lợi thế này để thuyết phục Quốc hội thăng Kosciuszko lên cấp bậc Chuẩn tướng. La Radière đã tìm cách phá hoại vì thế Kosciuszko đã bị rút khỏi danh sách đề cử. Một khiếu nại khác cũng yêu cầu vị trí kỹ sư trưởng của West Point phải được thay thế. Tuy nhiên, Washington đã không cho phép điều đó khi biết rằng West Point là phòng thủ quan trọng nhất quanh New York và Kosciuszko là một chuyên gia xuất sắc về công sự[6]. Kosciuszko vẫn ở lại, nhưng thất vọng vì không thể tham gia tích cực vào cuộc chiến. Điều này đã khiến George Washington chú ý. Ông đã có một chuyến thăm khác đến West Point. Sau khi kiểm tra các công sự, ông vẫn duy trì quan điểm về trình độ chuyên môn của kỹ sư người Ba Lan. Trong một cuộc trò chuyện riêng với Kosciuszko, ông đã ca ngợi Kosciuszko rất nhiều.

Đầu tháng 5 năm 1779, người Anh đã phát động một cuộc tấn công. Lực lượng ở West Point ở trong tình trạng sẵn sàng đợi kẻ thù đang đến gần, cách pháo đài 20 km về phía Nam. Mặc dù người Anh đã bị đẩy xuống sông Hudson, họ đã cướp bóc và đốt cháy các thành phố nằm dọc theo tuyến đường của họ. Tướng Washington đã ra lệnh hành động để biến West Point thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Cuối cùng, anh ta ra lệnh: “Tất cả những người lính làm thợ nề phải lập tức rời khỏi quân đội và được gửi đến pháo đài để được phục vụ đặc biệt, tạm thời theo lệnh của Đại tá Kosciuszko[6]. Ông cũng quan tâm đến việc cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, mùa đông 1779-1780 khắc nghiệt đến mức một lần nữa không chỉ có vấn đề với nguồn cung thức ăn, mà còn cả quần áo cho binh lính. Mùa xuân tình trạng này không thay đổi. Đó là lý do tháng 5 năm 1780, Kosciuszko đã viết cho đại hội trong về vấn đề này.

Mùa hè năm 1780, Kosciuszko đã hoàn thành xây dựng các công sự tại West Point. Nó trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm với “16 vị trí kiên cố và 10 vị trí pháo binh lớn bao gồm 3 vòng tròn phòng thủ xung quanh chuỗi bảo vệ Hudson[6]. Hiệu quả hệ thống công sự là đã ngăn được người Anh sử dụng sông Hudson, nhờ đó bảo vệ thung lũng nơi ngũ cốc và ngô, được sử dụng cho quân đội Washington. Sau đó, Học viện Quân sự Hoa Kỳ được thành lập thay cho pháo đài. Tượng đài đầu tiên được dựng lên bởi các học viên là của Kosciuszko[23]. Sau khi củng cố West Point, Tướng Washington quyết định chuyển các hoạt động quân sự sang miền Nam. Kosciuszko được phép rời khỏi West Point và gia nhập Quân đội miền Nam và phục vụ từ năm 1780 đến 1783[24].

Với những đóng góp của mình, ngày 13 tháng 10 năm 1783, Quốc hội đã thăng cấp cho Kosciuszko trở thành Thiếu tướng, nhưng ông vẫn chưa nhận được tiền lương. Cuối cùng, ông được cấp giấy chứng nhận 12.280 đô la. Số tiền này đã được trả theo đợt hàng năm ở Paris. Ông nhận được một phần nhỏ tiền mặt cần thiết để trả cho chuyến trở về Ba Lan[6]. Kosciuszko ở lại Hoa Kỳ lần thứ hai vào năm 1797-1798. Ông đã liên hệ với Jefferson. Lúc này, Jefferson lo ngại về sự căng thẳng với Pháp sau Hiệp ước Jay đã giao cho Kosciuszko đến Pháp với một nhiệm vụ hòa giải bí mật. Đó là lần cuối cùng Kosciuszko tham gia vào hoạt động cách mạng của Hoa Kỳ.

Với những trình bày ở trên, Kosciuszko thực sự là một tổng kiến trúc sư cho các pháo đài và công sự trong thời kỳ cách mạng Hoa Kỳ. Những công trình quân sự do ông thiết kế, tổ chức xây dựng được đánh giá là “sự sáng tạo cho thời đại”. Sự hỗ trợ về phòng thủ của những công trình được tạo ra từ sự sáng tạo của Kosciuszko đã góp phần làm giảm tổn thất, gia tăng thắng lợi cho quân đội lục địa, tạo nên bước ngoặt trong cuộc cách mạng Hoa Kỳ. Với những đóng góp đó, Kosciuszko được ghi nhận là anh hùng của hai dân tộc Ba Lan và Hoa Kỳ, là “đứa con thuần khuyết của tự do[25], là một tượng đài cho tình hữu nghị Ba Lan-Hoa Kỳ. Ngày nay, Kosciuszko được tưởng nhớ với nhiều bức tượng ở Washington, Boston, Detroit và các thành phố khác cho những đóng góp của ông trong cuộc cách mạng Hoa Kỳ[26].

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ 4. Grzelonski B. (1976), „Polacy w Wojnie o Niepodległość Stanów Zjednoczonych Ameryki”, Kwartalnik Historyczny, 2, 347-352.
  2. ^ Wolf, S (2002). “Thaddeu Kosciuszko – A Polish Son of Liberty, Hero of the American Revolution,”. Truy cập 2020. Kiểm tra giá trị |url lưu trữ= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= (trợ giúp)
  3. ^ Henryk, M (1947). Pisma Tadeusza Kościuszki. Warszawar: Państwowe Zakłady Wydawnictw Szkolnych. tr. 11.
  4. ^ a b c Daszyńska, Jolanta (2016). “Prawdziwy syn wolności. Kościuszko w amerykańskiej wojnie o niepodległość, 1776–1783”. Czasy Nowożytne. 29: 15–42.
  5. ^ “Tadeusz Kosciuszko”. https://www.history.com/topics/american-revolution/tadeusz-kosciuszko. 2009. Truy cập 2019. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= (trợ giúp); Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  6. ^ a b c d e f g h i j k l m n o p Storozynski, A (2010). The Peasant Prince: Thaddeus Kosciuszko and the Age of Revolution. New York: St Martin’s Press.
  7. ^ Placzek, J (2018). [ttp://blog.surgepolonia.pl/2018/03/ojcowie-niepodleglosci-tadeusz-kosciuszko-bohater-polski-stanow-zjednoczonych/ “Ojcowie niepodległości: Tadeusz Kościuszko, bohater Polski i Stanów Zjednoczonych”]. http://blog.surgepolonia.pl/2018/03/ojcowie-niepodleglosci-tadeusz-kosciuszko-bohater-polski-stanow-zjednoczonych/. Lưu trữ bản gốc |url lưu trữ= cần |ngày lưu trữ= (trợ giúp). Truy cập 2020. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= (trợ giúp); Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  8. ^ Kĩ sư người Pháp đã từ bỏ quân đội Lục địa là Giles-Jean-Marie Kermorvan, giữ cấp bậc Đại tá.
  9. ^ “The Fort at Red Bank”. 2020. Truy cập 2020. Kiểm tra giá trị |url lưu trữ= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= (trợ giúp)
  10. ^ “Historic Site of Fort Billingsport: The First Federal Land Purchase”. https://www.revolutionarywarnewjersey.com/new_jersey_revolutionary_war_sites/towns/paulsboro_nj_revolutionary_war_sites.htm. 2016. Truy cập 2020. Kiểm tra giá trị |url lưu trữ= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= (trợ giúp); Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  11. ^ Longin, P (1992). Polacy w wojnie o niepodległość Stanów Zjednoczonych. Warszaw: Wiedza Powszechna. tr. 60.
  12. ^ “The First Federal Land Purchase”. https://www.revolutionarywarnewjersey.com/new_jersey_revolutionary_war_sites/towns/paulsboro_nj_revolutionary_war_sites.htm. 2016. Truy cập 2020. Kiểm tra giá trị |url lưu trữ= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= (trợ giúp); Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  13. ^ Mintz, M. M (1990). The Generals of Saratoga: John Burgoyne & Horatio Gates. New Haven: Yale University Press.
  14. ^ “The Capture of Fort Ticonderoga”. https://www.history.com/topics/american-revolution/capture-of-fort-ticonderoga. Truy cập 2020. Kiểm tra giá trị |url lưu trữ= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= (trợ giúp); Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  15. ^ “Tadeusz Kosciuszko, American Revolutionary War Hero”. https://nymasons.org/site/tadeusz-kosciuszko-american-revolutionary-war-hero/. 2018. Truy cập 2020. Kiểm tra giá trị |url lưu trữ= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= (trợ giúp); Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  16. ^ Jaffe, I. B (1975). John Trumbull, Patriot-Artist of the American Revolution. New York: New York Graphic Society.
  17. ^ Sułek, Z (1976). Polacy w wojnie o niepodległość Stanów Zjednoczonych 1775–1783. Warzawar: Ministerstwa Obrony Narodowej. tr. 36.
  18. ^ Ketchum, R.M (1997). Saratoga: Turning Point of America's Revolutionary War. New York: H. Holt.
  19. ^ Norton, M.B (1991). A People and a Nation: A History of the United States. Boston: Houghton Mifflin Co. tr. 91–100.
  20. ^ Nardo, D (2007). The Battle of Saratoga. Minneapolis: Compass Point Books.
  21. ^ Crane, J (1947). West Point: The Key to America. New York: Whittlesey House.
  22. ^ Một phần của chuỗi này hiện được trưng bày tại West Point.
  23. ^ Rowny, E.L (2003). “Kosciuszko and West Point”. http://info-poland.icm.edu.pl/classroom/kosciuszko/westpoint.html. Truy cập 2019. Kiểm tra giá trị |url lưu trữ= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= (trợ giúp); Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  24. ^ Thiếu tá Chevalier De Villefranche đã thay thế Kosciuszko trở thành kỹ sự tiếp theo tại West Point.
  25. ^ Pula, H.S (1999). Thaddeus Kosciuszko: The Purest Son of Liberty. New York: Hippocrene Books.
  26. ^ Erick, T (2017). “The Polish Patriot Who Helped Americans Beat the British”. https://www.smithsonianmag.com/history/polish-patriot-who-helped-americans-beat-british-180962430/. Truy cập 2020. Kiểm tra giá trị |url lưu trữ= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày truy cập= (trợ giúp); Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)